LƯỢC SỬ KHOA HỌC KINH TẾ VÀ CÁC TRƯỜNG PHÁI KINH TẾ


LƯỢC SỬ KHOA HỌC KINH TẾ VÀ CÁC TRƯỜNG PHÁI KINH TẾ


Các trường phái kinh tế học sơ khai

Các trường phái kinh tế học cổ đại xuất hiện rất sớm từ thời các nền dân chủ Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư và Ả Rập. Nhiều học giả nổi tiếng như Aristotle, Chanakya, Tần Thuỷ Hoàng, Thomas Aquinas và Ibn Khaldun vào thế kỷ 14. Joseph Schumpeter được xem là người khởi đầu cho giai đoạn Hậu triết học kinh viện vào khoảng thời gian từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, được đánh giá là "đã tiến rất gần tới chỗ kinh tế học trở thành một khoa học thật sự", khi đã đề cập đến tiền tệ, lãi suất, thuyết giá trị trên quan điểm quy luật tự nhiên. Những khám phá của Ibn Khaldun trong cuốn Muqaddimah được Schumpeter đánh giá là người đi trước và tiến rất gần tới kinh tế học hiện đại, mặc dù các lý thuyết của ông không được biết đến nhiều cho tới tận gần đây.
Lý thuyết kinh tế là môn khoa học từ khi nó trở thành một hệ thống kiến thức về các quy luật, nguyên tắc, phương pháp, có khả năng phản ánh và điều hành sự phát triển kinh tế và xã hội. Những tư tưởng kinh tế đã bắt đầu xuất hiện ở thế kỷ 17-18, giai đoạn hình thành chủ nghĩa tư bản. Có hai nhóm học giả, là những nhà trọng thương và những người trọng nông, đã có những ảnh hưởng trực tiếp hơn đến những bước phát triển về sau này của kinh tế học. Cả hai nhóm này đều liên quan đến sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ nội địa và chủ nghĩa tư bản hiện đại. Trường phái kinh tế đầu tiên là chủ nghĩa trọng thương (Mercantilism) mà người đại diện của nó là Antuan Moncretien với tác phẩm “Luận bàn về kinh tế chính trị” (1615) đã đưa khái niệm này vào tập hợp thuật ngữ khoa học. Khoa học kinh tế đầu tiên phát triển từ kinh tế chính trị, tuy cuối thế kỷ 19 ở phương Tây thuật ngữ kinh tế chính trị (Political economy) đã được thay bằng thuật ngữ kinh tế học (Economics), đồng thời với sự xuất hiện nhiều học thuyết kinh tế tách các quan hệ chính trị-xã hội ra khỏi đối tượng nghiên cứu, đề xuất những phương pháp mới không liên quan đến thuyết giá trị về lao động hay quyền lợi giai cấp. Chủ nghĩa trọng thương là một học thuyết kinh tế nở rộ vào thời gian từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 trong các cuộc đàm đạo chính sự, giữa những thương gia và chính khách. Theo chủ nghĩa này thì của cải của quốc gia nên phụ thuộc vào vàng và bạc. Các quốc gia không có sẵn mỏ vàng/bạc có thể vẫn sở hữu vàng/bạc thông qua thương mại bằng cách bán hàng hóa ra nước ngoài và hạn chế nhập khẩu hàng hóa, trừ vàng/bạc. Học thuyết kêu gọi nên nhập khẩu nguyên liệu thô về để chế biến và xuất khẩu lại ra nước ngoài, và chính phủ nên đánh thuế vào hàng hóa đã chế tạo nhập khẩu từ nước ngoài cũng như cấm chế tạo hàng hóa ở các thuộc địa.
Chủ nghĩa trọng nông, một nhóm các học giả và các nhà lý luận người Pháp vào thế kỷ 18, đã phát triển một quan điểm xem nền kinh tế như một vòng luân chuyển của thu nhập và đầu ra; họ cho rằng lĩnh vực quan trọng của kinh tế là sản xuất chứ không phải thương mại. Người đứng đầu khuynh hướng này là François Quesnay. Trong “Biểu đồ kinh tế” của mình ông phân tích quá trình tái sản xuất xã hội và phân phối sản phẩm xã hội giữa ba thành phần giai cấp: người sản xuất, chủ đất và người phi sản xuất. Như vậy trường phái cổ điển đã chuyển hướng nghiên cứu từ lĩnh vực thương mại sang lĩnh vực sản xuất và tái sản xuất, xây dựng nền móng cho thuyết giá trị về lao động. Các nhà kinh tế cổ điển đánh giá phát triển xã hội bằng sự kết hợp hai phương diện kinh tế và xã hội. Những nhà trọng nông tin rằng chỉ có sản xuất nông nghiệp mới có thể tạo ra thặng dư rõ rệt so với chi phí, vì thế, nông nghiệp là nền tảng của của cải. Họ phản đối chính sach của những nhà trọng thương đã khuếch trường chế tạo và thương mại bằng cách bòn rút từ nông nghiệp, trong đó có thuế quan nhập khẩu. Những nhà trọng nông ủng hộ việc từ bỏ thuế đánh trên chi phí theo đơn vị hành chính sang sử dụng một loại thế duy nhất đánh trên thu nhập của chủ đất. Những sự thay đổi quan điểm về thuế bất động sản vẫn còn xuất hiện trong tư tưởng của các nhà kinh tế học sau này (ví dụ như Henry George vào một thế kỷ sau), với các quan điểm về doanh thu thuế đạt được từ những nguồn không gây méo mó thị trường. Các nhà trọng nông, nói chung, là một phía đối chọi với làn sóng của chủ nghĩa trọng thương với những quy tắc thương mại; họ ủng hộ một chính sách "laissez-faire" (tiếng Pháp: dịch: hãy cứ làm điều đó) kêu gọi sự can thiệp tối thiểu của chính phủ vào thị trường.

Kinh tế học cổ điển
Phát triển thật sự của kinh tế học bắt đầu từ trường phái cổ điển. Những công trình khoa học của những nhà kinh tế học đại diện trường phái này như “Luận bàn về thuế” (1662) của William Petty, “Biểu đồ kinh tế” (1758) của François Quesnay, “Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân giàu có của các quốc gia” (hay “Sự giàu có của các quốc gia”) (1776) của Adam Smith, “Nguyên lý kinh tế chính trị và áp thuế” (1817) của David Ricardo.
Cuối nửa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 từ trường phái cổ điển xuất hiện nhiều khuynh hướng khác, trong số đó có Kinh tế tân cổ điển với các nhà khoa học Carl Menger, E. Roy Weintraub, Léon Walras, William Stanley Jevons, John Bates Clark, Alfred Marshall và Kinh tế chính trị Marx-Lenin. Trong Kinh tế tân cổ điển có trường phái Kinh tế lịch sử (V. Zombart, M.Veblen), học thuyết định chế (T. Veblen, J. Gelbrath), thuyết hiệu dụng biên (J. B. Clark, C. Menger, F. Hayek). Các nhà kinh tế tân cổ điển nghiên cứu các quá trình kinh tế cụ thể, hành vi các chủ thể kinh tế, cơ chế thị trường tự do. Theo họ nhà nước chỉ giữ vững các điều kiện để phát triển thị trường và cạnh tranh, nhưng không nên can thiệp vào hoạt động kinh tế.

Kinh tế học Mác-xít
Kinh tế chính trị Marx-Lenin được trình bày trong các tác phẩm lý luận như: “Tư bản” (Karl Marx), “Chống Duyring” (F. Engels), “Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” (V.I.Lenin). Trên cơ sở phân tích sự phát triển chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn lịch sử của nó Marx đã phát triển và củng cố thuyết giá trị về lao động và xây dựng thuyết giá trị thặng dư, thuyết tích lũy và chuyển động tư bản, chỉ ra cơ chế vận động và mâu thuẫn trong xã hội tư sản.

Trường phái Keynesian
Trường phái Keynesian xuất hiện trong thập niên 30 của thế kỷ 20 do nhà kinh tế lỗi lạc John Maynard Keynes sáng lập như một khuynh hướng độc lập với trường phái tân cổ điển. Tác phẩm “Lý thuyết cơ bản về việc làm, phần trăm và tiền tệ” của Keynes đưa ra những phương pháp điều chỉnh kinh tế từ phía nhà nước nhằm giảm mức thất nghiệp, dùng các công cụ tài chính để làm tăng hiệu quả lượng cầu hàng hóa, tăng tỷ lệ tiêu dùng.
Vào nửa đầu thập niên 50 thế kỷ 20 trường phái Tân Keynesian tiếp nhận những quan điểm cơ bản của Keynes và trình bày lý thuyết tốc độ và yếu tố tăng trưởng, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế. Những công trình nghiên cứu của R. Harrod, E. Domar, E. Hansen tập trung vào vấn đề kết hợp hiệu quả các yếu tố, làm sao trong điều kiện cạnh tranh tự do có thể tăng lượng sản xuất và giảm tối thiểu chi phí lao động và vốn.
Trường phái tân cổ điển với học thuyết tự do kinh doanh còn phục hưng trở lại ở thập niên 70-80 với chủ nghĩa tiền tệ. Đứng đầu học thuyết này là M. Fridman, F. Hayek, cho rằng tiền tệ và lưu thông tiền tệ là công cụ hiệu quả của điều chỉnh và tự điều chỉnh thị trường, có khả năng đảm bảo ổn định và phát triển phi khủng hoảng kinh tế.
Quan điểm về sự kết hợp giữa điều hòa sản xuất khu vực nhà nước với kích thích tự do thị trường là khuynh hướng của chủ nghĩa tổng hợp do J. R. Hiks, P. Samuelson và những người khác lập nên trong những năm gần đây.
Các học thuyết kinh tế ra đời từ các trường phái hay khuynh hướng nổi tiếng như trường phái Áo, trường phái Chicago, trường phái Freiburg, trường phái Lausanne và trường phái Stockholm.
Copyright 2011 KEYNES PHÚC.
Blogger Template by Noct. Free Download Blogger Template